Table of Contents Show
Dạo gần đây mình tình cờ biết được Đà Lạt có một di tích cổ rất đẹp bị lãng quên, lăng Nguyễn Hữu Hào. Mình rất lấy làm tiếc nhưng cũng rất thích nét cổ kính nơi này nên quyết định đi khám phá.
Quận công Nguyễn Hữu Hào là ai?
Cụ Nguyễn Hữu Hào là thân phụ của Hoàng Hậu Nam Phương. Lăng Nguyễn Hữu Hào được Hoàng hậu xây dựng cho cả song thân, mất 2 năm để hoành thành từ khi khởi công năm 1939. Đến nay đã hơn 80 năm tồn tại vẫn vẹn nguyên nét đẹp kiến trúc.
Là di tích mang nhiều giá trị lịch sử ở đời vua cuối cùng ở nước ta, đồi Lăng Nguyễn Hữu Hào bị lãng quên một thời gian dài đến cỏ cao che lối, mái ngói đầy rêu.
Lăng Nguyễn Hữu Hào ở đâu giữa Đà Lạt?
Vài năm trở lại đây Lăng ông được nhiều người biết đến qua các bộ ảnh đẹp ở trên mạng và đã trở thành điểm check in trên ứng dụng ExoTrails. Chỉ cần tìm “Lăng Quận Công Nguyễn Hữu Hào” là sẽ bạn được chỉ dẫn tận nơi không lo đi lạc và đường lại dễ đi. Sau đó, đồi Lăng đã được chăm sóc, phát cỏ và tu sửa để tiện cho mọi người đến thăm viếng và vẫn là một điểm tham quan miễn phí ở Đà Lạt.
Khuôn viên lăng Nguyễn Hữu Hào là cả một quả đồi lớn ở ngã 4 Cam Ly giao với Vạn Thành. Lăng tẩm yên nghỉ trên đỉnh đồi để giữ sự thanh tịnh giữa thiên nhiên với địa thế phong thuỷ cực đẹp.
Kể bạn nghe hành trình khám phá lăng mộ Nguyễn Hữu Hào
Vì lăng Nguyễn Hữu Hào ở đỉnh đồi nên bạn phải vượt đồi dốc để đến. Đi bộ một đoạn sẽ gặp “Nhất chính đạo” – một con đường duy nhất để đến cổng lớn của Lăng với 158 bậc thang. Mặc dù mệt vì đoạn dốc đi lên nhưng mình đã trầm trồ trước con đường bậc thang siêu đẹp.
Ở hai bên bậc thang điểm xuyết bằng cây thùa lâu năm cùng hàng nghìn cây thông thẳng tắp.
Thời điểm đẹp nhất trong ngày để đến thăm nơi đây là khoảng xế chiều tầm 14h – 16h, nắng vàng rọi chéo xuống con đường lên Lăng tạo nên một khung cảnh như chỉ có xuất hiện trong các bộ phim cổ tích. Chỉ cần đứng ở cầu thang trên đường lên là bạn đã chụp được rất nhiều bức ảnh đẹp rồi. Đặc sắc hơn nữa nếu bạn đến thăm nơi này vào mùa hoa dã quỳ sẽ càng lộng lẫy.
Lên đến Lăng sẽ bắt gặp 2 tượng sư tử ở hai bên nấc thang cuối cùng như để trấn giữ lăng khỏi những sự quấy nhiễu, mình đoán vậy. Ở khoảng sân lớn có một tấm bia đá khắc chữ Hán được chạm trổ điệu nghệ, bao quanh khuôn viên chính của lăng Nguyễn Hữu Hào là hành lang đá khắc hoa sen cách điệu đã phủ rêu xanh. Bước lên bậc tam cấp đến sảnh ngay chân lăng tẩm, ngước lên nhìn lại không khỏi ngạc nhiên trước sự nguy nga toàn vẹn của công trình này.
Thêm một đoạn bậc thang cao nữa là đến cổng Lăng chính. Bên ngoài và mái ngói mang lối kiến trúc đặc trưng của cung đình Huế, bên trong giản dị chỉ có phần mộ của hai ông bà và bàn tế, phía sau có một gian thờ bia đá khác. Hiện nay lúc nào cũng có hương quả ấm cúng ở các bàn thờ.
Cả công trình cổ mang hơi thở phong kiến này dù tu sửa nhưng vẫn giữ lại những đường nét văn hoá kiến trúc nguyên bản. Lớp rêu phong cổ kính vẫn còn đó do từng bị bỏ quên lại tạo nên một khung cảnh cổ trang tưởng chừng như vô thực ở thời đại này. Được bao bọc bởi bóng râm của tán thông rộng, được ôm ấp trong bầu không khí trong lành miền cao nguyên, yên ả trong tiếng thông reo hoà ca cùng tiếng chim lảnh lót.
Di tích tham quan miễn phí rất đáng để ghé thăm khi đến Đà Lạt
Nơi đây dày đặc bầu không khí an yên, tịch mịch. Mình rất thích bầu không khí này, như xuyên không trở về lịch sử vậy nên mình đã ngồi đây một lúc rất lâu, đắm chìm trong sự yên ắng thanh lành. Ngắm nhìn từng họa tiết, nhành cây, lắng nghe từng tiếng gió đùa xào xạc lá, từng nốt ngân vang của những chú chim đang đậu đâu đó trên ngọn cây cao hoà ca cùng tiếng thông reo.
Những ai yêu lịch sử, yêu bầu không khí yên bình thì nơi đây là địa điểm khám phá hay ho và ý nghĩa dành cho bạn khi đến Đà Lạt.
Đi vòng quanh tham quan, chụp ảnh và chill đến tắt nắng rồi về. Một kết thúc đầy thi vị cho chuyến thăm viếng di tích lịch sử cổ kính ngay trong lòng “Phố Núi”.
Khung cảnh đẹp quá đỗi ở đây đã xuất hiện nhiều hơn trong những bộ ảnh của các bạn trẻ cùng trang phục truyền thống. Mình vui cho ý thức trang phục của các bạn khi đến nơi trang nghiêm và vui vì đồi lăng Nguyễn Hữu Hào đã không còn bị bỏ quên.
Nhắc bạn vài điều trước khi đến lăng Nguyễn Hữu Hào
Vì đây là nơi yên nghỉ của người quá cố, mong bạn đến thăm viếng trong nghiêm trang, cả hình thức lẫn tác phong.
Ở Lăng không có thùng rác, các bạn nhớ mang rác về đừng để lại Lăng nha. Vì sự coi sóc cảnh quan ở lăng Nguyễn Hữu Hào đều là tình nguyện phát tâm của người dân, mình không nên tạo thêm vất vả cũng như thiếu tôn trọng Lăng tẩm của thân phụ Hoàng hậu Nam Phương.
Hiện tại ở di tích này có hiện tượng thu phí quản lý đểu từ một chú tự xưng là bảo vệ. Các bạn đến Lăng có gặp nhất định phải báo với chính quyền địa phương xử lý và không đưa tiền để tiếp tay cho hành vi trái phép ấy nha.
Một cô gái ưa lang bạt rài đây mai đó, chưa khi nào thấy nước da cô ta thôi ngâm. Là mình đó!
Mình thích đi và cũng đã rong ruổi nhiều nơi, không du lịch “chạy đua checkin” như mọi người. Mình tận hưởng hết mức, tìm hiểu cảnh vật lẫn con người – văn hoá để cảm thụ hết cỡ về nơi mình đến. Mỗi điểm đến mình đều yêu, không chỉ mỗi mùa đẹp mà cả mùa không đẹp.
Luôn đề cao việc giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan. Mình rất vui khi chia sẻ những địa điểm đẹp với mọi người nhưng cũng mong mọi người cùng mình chung tay gìn giữ vẻ đẹp ấy. Để người đến sau vẫn trầm trồ mãn nhãn trước khung cảnh ấy như mình.
Nguồn ảnh: Nguyễn Tuyết Nhung và Em bé Tây Nguyên. Bài viết thuộc quyền sở hữu của Nguyễn Tuyết Nhung, thành viên Chuyện của những cung đường. Đây là cộng đồng outdoor được quản lý bởi ExoTrails – Ứng dụng Điều hướng và Định vị hàng đầu Việt Nam. Hãy tham gia nhóm để đón đọc và chia sẻ thêm nhiều thông tin chất lượng cùng chúng mình nhé!
Ngoài lăng Nguyễn Hữu Hào, ứng dụng ExoTrails tự hào có nhiều điểm đến văn hóa và tâm linh lý tưởng khác chờ bạn khám phá. Tải ngay app để tự trải nghiệm nhé!
